Home > CẢM NHẬN > BIẾT ĐẶT MÌNH VÀO VỊ TRÍ CỦA NGƯỜI KHÁC

BIẾT ĐẶT MÌNH VÀO VỊ TRÍ CỦA NGƯỜI KHÁC


altTrong cuộc sống không ai là hoàn hảo, có người được quá nhiều thứ: ăn ngon, mặc đẹp, giàu sang, … nhưng đâu đó còn có những mảnh đời bất hạnh, những người gặp khó khăn, nghèo khổ và kém may mắn.

Không biết từ bao lâu, dư luận gán ghép người khuyết tật là người vô dụng, chỉ biết làm phiền, chẳng giúp ích được gì cho xã hội, sống bám vào những người xung quanh … Chính sự không biết cảm thông, chia sẻ và đặt mình vào vị trí của người khác đã đẩy người khuyết tật vào thế giới riêng, thu mình vào một góc nhỏ, cứ nghĩ là gánh nặng của gia đình và xã hội.

Tôi có dịp tiếp xúc và sinh hoạt với các anh chị đang công tác tại dự án Sống Độc Lập thuộc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD). Tôi thật sự ngưỡng mộ tinh thần lạc quan của các anh chị qua những hoạt động mà dự án đã và đang thực hiện. Tôi cảm nhận sự đồng cảm, kết nối trái tim giữa các anh chị với nhau. Có một số anh chị khuyết tật khó khăn trong giao tiếp hoặc đi lại nhưng qua nụ cười rạng ngời trên gương mặt, tôi cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn cũng như sức mạnh về ý chí. Họ biết chấp nhận là người khuyết tật, khẳng định giá trị bản thân, chứng tỏ là người vô cùng hữu ích cho những người đồng cảnh ngộ. Tôi chợt nghiệm ra, hạnh phúc là những điều thật giản dị, đôi khi đó chỉ là sự đồng cảm, sự sẻ chia buồn vui đời thường! 

Chuyến dã ngoại bằng xe buýt (26/2/2012) là cơ hội cho tôi có những trải nghiệm rất quý giá. Chúng tôi nhận sự quan tâm của một số người xung quanh, họ hỗ trợ các anh chị khuyết tật lên/ xuống xe buýt vì sàn xe khá cao, rất khó tiếp cận cho người khuyết tật … Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự dửng dưng của một số người thiếu ý thức. Những chiếc ghế ưu tiên cho người khuyết tật bị những người không khuyết tật lấn chiếm, họ không  nhường chỗ mà chỉ đưa mắt nhìn rồi quay mặt sang hướng khác. Trông cảnh tượng ấy, tôi chợt chạnh lòng! Tại sao không biết cảm thông, chia sẻ cho nhau? Không giúp vật chất thì phải tạo niềm tin, động lực để họ vững tin trong cuộc sống!?

Qua nhiều lần trò chuyện, lắng nghe các bạn, các chị chia sẻ, tôi khâm phục những thăng trầm, đau đớn, mặc cảm, tự ti, những lời châm chọc, trách móc của mọi người dành cho họ, khiến đôi lúc tưởng chừng đã bỏ cuộc nhưng vào một phút lặng lẽ nhìn lại cuộc đời mình thì hơn hết họ biết chấp nhận số phận, chấp nhận là người khuyết tật. Hình ảnh chị N – bị chọc ghẹo: “Què mà đi học làm gì, ở nhà cho rồi” đã trở thành hình ảnh một cô quản lý giỏi, năng động trong công ty. Người tiếp theo là Nh – sinh viên năm 4 trường Đại học Kinh tế. Thoạt trông Nh, dáng người nhỏ con, không ai nghĩ là sinh viên năm cuối, ngành công nghệ thông tin. Nh cũng có những suy nghĩ rất lạc quan về cuộc sống. Chung quy, họ rất có năng lực và khao khát thể hiện hết khả năng để cống hiến hết mình cho xã hội.

Một chút ngẫm lại chính tôi – được sống trong một gia đình rất hạnh phúc, vật chất khá đầy đủ và hơn hết tôi là người không khuyết tật nhưng nhiều khi gặp một chút khó khăn là nản lòng, muốn bỏ cuộc. Thật xấu hổ!

Chuyến đi dã ngoại ý nghĩa vô cùng, tôi học hỏi và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho riêng mình. Tôi thấy trưởng thành hơn rất nhiều trong thời gian đồng hành cùng Chương trình Sống Độc Lập. Xin cảm ơn DRD đã tạo điều kiện cho tôi được tham gia sinh hoạt cùng các anh chị khuyết tật. Từ đây tôi sống vì người khác nhiều hơn …

“Cuộc sống sẽ dễ dàng biết mấy.

Nếu con người biết đặt mình vào vị trí của nhau”

 Bùi Hồng Ngân – sinh viên Công tác xã hội

  1. No comments yet.
  1. No trackbacks yet.

Leave a comment